Máy tínhThe Pixel đánh giá

Asus Zephyrus M16: Úi chà, đã thật!

Sự có mặt của RTX 3000 đã tạo điều kiện cho Asus Zephyrus M16 có được những sự thay đổi đột phá, mang đến những trải nghiệm thật đã cho người dùng.
953

Năm nay, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp và cản trở sản xuất và ra mắt của rất nhiều sản phẩm công nghệ. Vậy nhưng không phải vì vậy mà thị trường laptop kém khởi sắc. Trái lại, vẫn có một số nhân tố như laptop gaming vẫn có được sự cải tiến quan trọng đem lại những thay đổi sâu sắc trong trải nghiệm. Phần lớn là nhờ card đồ họa Nvidia năm nay đã cho phép những chiếc laptop gaming này làm được nhiều việc hơn. Một trong những sự thay đổi dễ nhận thấy là ở dòng laptop Zephyrus M với sự xuất hiện M16.

Dòng Zephyrus M vốn là những chiếc laptop gaming được đánh giá cao về sự cân bằng giữa hiệu năng xử lý và tính cơ động của nó. Điều đó chứng tỏ rằng, Asus đã phải tốn khá nhiều công sức trong việc cân đối mọi thứ bên trong chiếc laptop để có thể đáp ứng được tối đa sự thỏa mãn của người dùng thay vì việc biến nó thành một chiếc máy tính “nửa vời”. Thế nhưng điều đó không dễ dàng một chút nào khi có quá nhiều yếu tố cần phải cân nhắc để đưa ra và đặt vào bên trong một bộ khung thuộc vào hàng mỏng nhẹ của thế giới laptop gaming.

Do sự hạn chế của công nghệ trong thời gian qua đã tạo ra một số yếu tố phá vỡ sự cân bằng đó. GTX 1660Ti trên Zephyrus M là một chiếc card đồ họa không quá mạnh mẽ bởi vậy việc tận dụng được màn hình tần số quét 240Hz bắt buộc game thủ phải hạ setting đồ họa trong game xuống khá thấp. Điều này khiến những trải nghiệm không được trọn vẹn. Ngay cả những lựa chọn cấu hình cao hơn như RTX 2060 hay 2070 Max-Q cũng khó lòng mà đạt được số khung hình này nếu setting đồ họa cao. Còn đối với lựa chọn màn hình 4K 60Hz cũng giống như vậy, mọi trải nghiệm gaming đều tương đối hạn chế và có phần hơi quá sức với hệ thống. Khi mà độ phân giải giúp cho mọi hình ảnh trở nên rõ ràng, mịn màng và sắc nét hơn thì việc kéo setting đồ họa xuống mức thấp hơn để có số khung hình lý tưởng sẽ làm cho những trải nghiệm hình ảnh không còn đã mắt lắm. Chúng ta đã phải hi sinh thứ này để đạt được thứ kia. Sẽ có game thủ chấp nhận được, có người khác thì sẽ cảm thấy không ai hài lòng.

Năm nay, sự ra đời của dòng card RTX 3000 series với những bước nhảy vọt về hiệu năng và những công nghệ mới được tích hợp là một cơ hội lớn để những chiếc laptop gaming không chỉ nâng cấp mà còn là làm mới lại mình. Zephyrus M16 cho thấy một cách rõ ràng nhất việc một thương hiệu như Asus đã định nghĩa lại thế nào là một trải nghiệm gaming cân bằng nhất.

Zephyrus M16 cho phép người dùng lựa chọn sức mạnh của card đồ họa khá linh hoạt, trải dài từ RTX 3050Ti đến 3070. Kết hợp cùng vi xử lý hàng đầu của Intel, Core i9-11900H tạo nên một hệ thống phần cứng rất mạnh mẽ. Sự cải tiến về phần cứng chính là điều kiện cần để có được những thay đổi cho Zephyrus M16 của năm nay. Phiên bản Zephyrus M16 mà mình đang có ở đây là RTX 3070, là cấu hình cao nhất của dòng. Tuy nhiên, những phiên bản khác cũng sẽ những nét tương đồng ngoài hiệu năng thuần xử lý.

Thay vì được trang bị một màn hình tần số quét quá cao lên đến 240Hz hay độ phân giải lớn tới 4K như ở thế hệ trước. Zephyrus M16 năm nay có một sự lựa chọn duy nhất là màn hình độ phân giải WQXGA (2560×1600) hay chúng ta thường gọi với cái tên dân dã hơn là 2K cho dễ hiểu. Số lượng điểm ảnh gấp 4 lần so với FHD vậy nên độ nét trong mỗi khung hình cũng tăng lên 4 lần đòi hỏi hiệu năng xuất hình của card đồ họa cũng phải xử lý cao hơn nhiều. Cùng với đó, tần số quét 165Hz được lựa chọn để mang đến sự mượt mà trong chuyển động không quá cao nhưng cũng không phải là thấp. Bỏ qua những vấn đề về tỷ lệ màn hình 16:10. Năm nay Asus lựa chọn một giải pháp hiển thị là tổng hòa của thế hệ cũ. Đảm bảo cân bằng mọi yếu tố hiển thị để mang đến cho người dùng trải nghiệm đồng đều và thỏa mãn hơn.

Khi chúng ta đã có một màn hình có phần thân thiện hơn, đồng điệu hơn, thì card đồ họa thế hệ mới lại đóng vai trò lớn trong việc nâng tầm trải nghiệm với hiệu suất xử lý hình ảnh tuyệt vời hơn hẳn so với những thế hệ trước. RTX 3000 series đã mở đường cho độ phân giải 2K trở lại thị trường laptop Gaming sau nhiều phép thử không mấy thành công trước đây. Hiệu năng của RTX 3000 series nói chung đã cho phép một chiếc laptop gaming có thể  xử lý một cách mượt mà thư viện game đang có trên thị trường ở độ phân giải lớn hơn Full HD.

Không chỉ được cải thiện về hiệu năng xử lý thuần túy, RTX 3000 với phiên bản Mobile đã được bổ sung thêm nhiều tính năng để phù hợp hơn với ngữ cảnh hoạt động trong sự giới hạn của bộ khung laptop chật hẹp và lại ngày càng có xu hướng được thu nhỏ hơn để đề cao tính cơ động vốn có của thiết bị di động này.

Đầu tiên phải kể đến sự có mặt của Dynamic Boost 2.0, với một hệ thống mà CPU và card đồ họa phải tranh giành nhau từng chút năng lượng để có thể tối ưu được hiệu năng của bản thân. Nhưng không phải lúc nào CPU i9-11900H cũng hoạt động hết công suất của mình đặc biệt là khi chơi game. Bởi vậy không có lý do gì mà card đồ họa luôn phải sử dụng 100% điện năng lại không “mượn” phần năng lượng dư thừa từ CPU thay vì một mức tiêu thụ cố định như trước kia. Điều đó cũng giúp cho card đồ họa tận dụng toàn bộ nguồn điện có được từ hệ thống và bung lụa một cách thoải mái hơn. Một thay đổi tuy nhỏ trong việc kiểm soát năng lượng phần cứng, nhưng đem lại nhiều hiệu quả trải nghiệm tốt hơn.

Cũng không thể không nhắc đến tính năng Resiable BAR mới có mặt cách đây không lâu, một tính năng nhằm tối ưu giao tiếp PCIe giữa VRAM và CPU. Nó cho phép CPU có thể truy cập lên toàn bộ hệ thống bộ nhớ đệm của nhân đồ họa, đẩy nhanh việc trao đổi dữ liệu xử lý giúp cho tổng thể hiệu năng của card đồ họa cũng được tăng theo

Với sức mạnh được cải thiện rõ rệt ở phần nhân Tensor cùng với DLSS 2.0 cải tiến đã cho phép những tựa game được trải nghiệm ở độ phân giải cao đạt đến một giới hạn mới. Khi đó, card đồ họa chỉ phải render ở độ phân giải thấp hơn những gì mà chúng hiển thị, sau đó sử dụng những thuật toán AI để đẩy chúng lên độ phân giải cao hơn mà cụ thể trong trường hợp này là 2K. Công việc nhẹ nhàng hơn giúp cho card đồ họa chỉ cần làm những công việc đơn giản hơn và đẩy số lượng khung hình lên cao hơn. Khi kết hợp với hiệu năng đã quá vượt trội của nhân đồ họa, những trải nghiệm hình ảnh đã được đẩy lên cao hơn hẳn so với thế hệ cũ.

Để hoàn thiện một cách trọn vẹn phần trải nghiệm hình ảnh thì không thể không kể đến tính năng Ray Tracing đã làm nên cuộc cách mạng về đồ họa trong game. Ray Tracing của thế hệ card đồ họa RTX 3000 đã có nhiều nâng cấp ở nhân RT để mang lại hiệu năng tái tạo ánh sáng và phản chiếu tốt hơn so với thế hệ cũ. Bởi vậy nó cũng giúp cho người dùng tự tin sử dụng tính năng này trong game nhiều hơn mà không còn lo lắng về những ảnh hưởng của nó tới khung hình. Hơn nữa, với sự trợ giúp của DLSS và hiệu năng thuần túy thì về tổng thể trải nghiệm nó vẫn đủ sự mượt mà để những trải nghiệm đều có thể được tận dụng hoàn toàn trên màn hình mới của Zephyrus M16.

Thử nghiệm RTX 3070 hiệu năng thuần với bài benchmark 3Dmark TimeSpy cho số điểm đồ họa 9747, chỉ kèm hơn một chút so với kết quả RTX 3080 mà mình có trước đây là 10149 điểm và bỏ khá xa so với RTX 3060 là 8777 điểm. Với bài test 3Dmark FireStrike số điểm đồ họa mà RTX 3070 trên Zephyrus M16 đạt được là 24106, thậm chí ngang ngửa với điểm số mà mình đạt được là 24670 trên RTX 3080 và cho RTX 3060 “hít khói” với 22138. Điều này cho thấy tiềm năng chơi game trên Zephyrus M16 với RTX 3070 đủ sức để cân được toàn bộ những tựa game trên thị trường một cách dễ dàng.

Thực tế mình đã thử sức RTX 3070 với những tựa game phổ biến hiện nay để có được kết quả chính xác nhất.

Với tựa game bắn súng phổ biến nhất thế giới là CS:Go, ở độ phân giải 2K max setting, mọi trải nghiệm đều rất tuyệt vời ở hình ảnh, chi tiết trong game, chuyển động. Tất cả đều hoàn hảo cho một trận đấu eSports căng thẳng. Thậm chí card đồ họa cũng không hề chạy hết sức mạnh của mình, nhiệt độ của máy cũng tương đối mát mẻ chỉ rơi vào khoảng 60-70 độ. FPS trong game có thể đạt được trong khoảng từ 170- 200, tận dụng được toàn bộ công suất của màn hình.

Với những tựa game có bối cảnh rộng lớn, nhiều hiệu ứng như Final Fantasy XV, khi chơi ở độ phân giải 2K số khung hình đạt được cũng rất tốt khi mức FPS sàn là trên 80 còn đa phần đều có thể đạt được từ 90-100. Đủ mượt mà cho một trải nghiệm game JRPG.

Đến với Assassin Creed Valhalla, một tựa game khá “nặng đô” với hầu hết những thiết bị phần cứng hiện nay. Môt phần vì game có những lớp đồ họa tương đối phức tạp, phần còn lại là do khả năng tối ưu phần cứng không được tốt nên để có thể chơi được tựa game này một cách mượt mà ở những setting cao đòi hỏi những cấu hình cũng phải nặng không kém. Zephyrus M16 có thể đạt được độ mượt mà nhất đi với độ phân giải 2K ở setting Ultra, game luôn giữ trong khoảng 60fps. Nếu game thủ có nhu cầu tận dụng tần số quét 165Hz để có những trải nghiệm mượt hơn thì có thể giảm setting đồ họa xuống một chút.

Đối với một tựa game mới được chuyển hệ từ PS4 lên PC trong thời gian gần đây là Horizon Zero Dawn, với nền đồ họa được cải thiện rất nhiều, bối cảnh rộng lớn, môi trường và nhân vật nhiều chi tiết cũng là một trong những thử thách lớn để một hệ thống gaming có thể xử lý ở độ phân giải 2K. Còn về phần Zephyrus M16 với RTX 3070, chúng ta có thể trải nghiệm vừa đủ ở mức khung hình từ 60-70 fps.

Năm nay, ngoài những cải thiện về mặt hiệu năng, Nvidia còn nâng cấp thêm phần trải nghiệm đặc biệt dành cho các game thủ trong môi trường cạnh tranh cao. Cụ thể là với những tựa game eSports, khi thắng thua được tính chỉ trong vài tích tắc. Ở cấp độ siêu nhanh đó thì đôi khi chúng ta khó mà nhận ra được. Nhưng cũng chính vì sự thiếu đồng bộ ở hệ thống xử lý, màn hình và chuột dẫn đến sự kéo dài ra của những hành động và chính những mili- giây mà bạn đã có thể dành chiến thắng thì lại bất ngờ “bay màu” trong ấm ức. Đó là lý tại sao tính năng Nvidia Reflex, sẽ là một sự nâng cấp có ý nghĩa với những game thủ dạng này.

Laptop Gaming trong năm nay thực sự đã thay đổi rất nhiều, không chỉ là nâng cấp về hiệu năng mà nó còn tạo điều kiện cho những sự thay đổi khác về trải nghiệm trên một chiếc máy tính. Trong đó, card đồ họa là linh kiện then chốt tạo nên sự thay đổi đó. Ngoài sức mạnh xử lý được cải thiện nhờ kiến trúc đồ họa mới, những tính năng dành cho dòng RTX 3000 mobile đã giúp card đồ họa có thể tối ưu được sức mạnh của nó trong một không gian đầy những giới hạn của một laptop gaming mỏng nhẹ như Zephyrus M16 và đưa trải nghiệm người dùng vượt xa những rào cản trước đây.

0 ( 0 bình chọn )

Bài viết liên quan

About Nguyễn Thành Đạt

View all posts by Nguyễn Thành Đạt

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới

Xem thêm