Sau khi Apple sản xuất iPhone tại Ấn Độ, Samsung cũng chính thức thông báo chuyển dây chuyền sản xuất dòng Galaxy S23 Series từ Việt Nam qua Ấn Độ. Tại sao các ông lớn công nghệ lại chọn Ấn Độ là điểm đến yêu thích khi rời khỏi Trung Quốc?
Xem thêm: So sánh chi phí nhân công nhà máy Samsung Việt Nam và Ấn Độ
Chính sách ưu đãi thuế khủng
Một trong những yếu tố then chốt khiến các nhà sản xuất điện thoại lựa chọn Ấn Độ làm cứ điểm sản xuất mới là chính sách ưu đãi thuế khủng. Ngay từ năm 2020, Ấn Độ đã mời chào các hãng điện thoại hàng đầu thế giới với khoản ưu đãi lên đến 5,5 tỷ đô.
Cụ thể, 5 công ty sản xuất smartphone có vốn đầu tư lũy kế trong 4 năm trên 133 triệu đô cùng doanh thu tăng trưởng hàng năm và giá trị các sản phẩm trên 200 USD/ chiếc sẽ được nhận khoản hỗ trợ bằng tiền mặt. Nếu nhìn qua các sản phẩm cao cấp như Samsung Galaxy S, Z Fold hay Apple iPhone, các ông lớn này có thể thu về khoản hỗ trợ 220 triệu USD/ năm, tương đương 1,1 tỷ đô trong 5 năm.

Mặt khác, chính phủ Ấn Độ cũng nới rộng chương trình PLI (khuyến khích liên kết sản xuất) cung cấp khoản ưu đãi 4 – 6% chi phí sản xuất cho các công ty công nghệ tính trên tổng doanh thu các mặt hàng được sản xuất tại Ấn Độ trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ sẽ cung cấp xưởng sản xuất và cơ sở vật chất đã được hoàn thiện để hỗ trợ những nhà đầu tư nước ngoài khi vào Ấn Độ có thể sản xuất ngay.
Một minh chứng cho chính sách ưu đãi khủng khiếp mà Ấn Độ đang thực hiện để lôi kéo các ông lớn công nghệ chính là việc xem xét miễn thuế lên đến 15% dành cho Apple, hay Foxconn đã lợi nhuận lên đến 44 triệu USD ngay năm đầu tiên tham gia chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI).
Chi phí nhân công rẻ
Không chỉ cung cấp khoản ưu đãi khủng, chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác cũng là điểm thu hút những ông lớn làng di động đầu tư nhà máy sản xuất tại Ấn Độ. CafeF từng đưa tin, chi phí nhân công tại Ấn Độ chỉ khoảng 130USD/ tháng vào năm 2019, mức này thấp hơn rất nhiều so với lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc khoảng 531 USD và 250 USD tại Việt Nam.

Ngoài chi phí nhân công rẻ, Ấn Độ còn có lực lượng lao động quy mô nửa tỷ người và tăng thêm từ 1 đến 2% mỗi năm tương ứng 5 đến 10 triệu lao động mới. Đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các hãng sản xuất trên thế giới.
Khai thác được tài nguyên thiên nhiên
Không chỉ là một trong năm nước có lượng dự trữ đất hiếm lớn nhất thế giới (thành phần quan trọng để sản xuất các thiết bị điện tử như điện thoại, TV..v..v…) Ấn Độ còn chủ động hợp tác với các quốc gia có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản từ những năm 2011 để khai thác đất hiếm, cung cấp cho ngành sản xuất trong vài ngoài nước, chi 135 triệu đô mua một tàu do thám phục vụ riêng việc tìm kiếm đất hiếm trong đại dương.

Không những thế, Ấn Độ cũng có năng lượng khai thác tốt các quặng chứa niken, đồng, cô-ban và các kim loại hiếm như molylden, telu và titan.
Thị trường tỷ dân
Ấn Độ là một thị trường lớn hàng đầu Châu Á với quy mô dân số chỉ xếp sau Trung Quốc. Do đó việc sản xuất và cung cấp cho thị trường nội địa cũng giúp cho các nhà sản xuất có lợi nhuận cao. Số liệu năm 2019 cho thấy, thị trường điện tử tiêu dùng Ấn Độ đạt mức 11 tỷ USD với lượng smartphone bán ra cùng năm lên đến 159 triệu chiếc, gấp gần 8 lần thị trường Việt Nam (chỉ 20 triệu chiếc vào năm 2019).

Nắm bắt được điều này, Apple đã chủ động yêu cầu các đối tác tập trung cho Ấn Độ, khi đây là thị trường vô cùng tiềm năng (có thể xem là Trung Quốc thứ 2), nhưng Táo Khuyết chỉ mới chiếm được 1% thị phần.
Ngoài những yếu tố trên, một điều mà bất kì ông lớn công nghệ nào cũng luôn tìm hiểu kĩ trước khi đặt chân đến một quốc gia chính là vấn đề chính trị. Hiện tại, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đang rất tốt đẹp, điều này cực kì quan trọng để đảm bảo rằng sẽ không xảy ra thêm các cuộc chiến tranh thương mại như Mỹ – Trung vừa qua.
Xem thêm: So sánh chi phí nhân công nhà máy Samsung Việt Nam và Ấn Độ
Chia sẻ
Ý kiến bạn đọc (0)