Lăng kính The PixelNội dung nổi bậtThe Pixel Đánh Giá

Đánh giá Asus TUF F17: trải nghiệm siêu thích với laptop gaming giá rẻ màn hình lớn

Asus TUF F17 của năm 2021 là một sự lột xác toàn diện, đây không chỉ là một chiếc laptop gaming mạnh mẽ hơn nhiều lần mà còn đẹp và hấp dẫn hơn.
1281

Trong thời điểm 2020- 2021, chúng ta đã được chứng kiến một sự dịch chuyển lớn của ngành máy tính. Dịch bệnh đã khiến cuộc sống của toàn thế giới bị đảo lộn, bên cạnh đó phải kể đến sự bùng nổ của các Khi mà thị trường gaming đã đến ngưỡng ổn định và rơi vào trạng thái duy trì, những vùng đất mới mẻ hơn đang dần được khai phá. Chúng ta đã nhận ra rằng, không phải chỉ có chơi game mới cần tới một chiếc máy tính mạnh, không phải chỉ có game thủ mới cần một chiếc laptop phong cách. Những chiếc laptop gaming đã không còn là bảo vật của riêng những người chơi game nữa, nó đã dần trở thành người bạn đồng hành với người dùng trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.

Nhìn vào cuộc dịch chuyển của thị trường gaming laptop, chúng ta đã thấy được động thái của nhiều ông lớn trong ngành công nghệ. Có một số thương hiệu cho ra mắt nhiều gương mặt hoàn toàn mới. Đó là một cách tương đối khôn ngoan để một thương hiệu có thể tiến vào thị trường mới mẻ với những các tiếp cận mới mẻ. Bên cạnh đó, có những thương hiệu như Asus lại lựa chọn việc thay đổi bản thân để phù hợp hơn với những thay đổi của thị trường. Sau khi đã tinh chỉnh lại các phiên bản laptop Gaming thuộc dòng Asus ROG, đến lượt Asus TUF cũng được “thay màu” để trở nên dễ dàng để chấp nhận hơn bởi nhiều đối tượng người dùng ngoài game thủ mà đại diện là Asus TUF F17 2021.

Asus TUF của năm 2020 có thể được ví như một chàng trai trẻ cá tính và có phần “nóng nảy” – ý mình là cả về ngoại hình lẫn nhiệt độ của nó. Năm nay Asus TUF nói chung và dòng TUF F17 nói riêng đã được thay một lớp áo mới với nhiều sự tính toán sâu sắc hơn. Logo TUF được làm lại để trở nên hiện đại hơn, mang đậm tinh thần của sản phẩm với sự đơn giản, cứng cáp hơn so với logo cũ nhưng việc giữ lại hình dáng của cánh chim  cũng giống như việc giữ lại được những tinh hoa mà dòng TUF đã xây dựng từ xưa đến nay.

Hai phiên bản với phần nắp lưng bằng kim loại và nắp lưng bằng nhưa cũng đã được thay đổi họa tiết, lớp phủ màu để trở nên hiện đại và trung tính hơn. Cụ thể là phiên bản với nắp lưng bằng kim loại, Asus đã sử dụng một màu xám có tone màu trầm hơn, thêm vào một số họa tiết để phần không gian này bớt vẻ đơn điệu. Còn đối với phiên bản bằng nhựa, phần viền đỏ chạy dọc nắp lưng đã được thay thế bằng một màu xám đồng điệu hơn với màu sắc. Điểm nhấn chính tập trung ở logo mới và những đường cắt ở bền mặt lưng máy. Ngoài ra ở khu vực gần bản lề, Asus cũng đưa vào một số điểm nhấn nhẹ để làm thiết kế tổng thể thêm phần thú vị hơn. Như ở phiên bản F17 Eclipse Gray mà mình đang sở hữu ở đây, màu sắc rất sang trọng, nhã nhặn nhưng vẫn toát lên được một vẻ ngầu, góc cạnh, cá tính nhờ những chi tiết nổi bật được kế thừa từ bộ khung trước đây của dòng laptop gaming này.

Asus vẫn rất tự tin vào bộ khung của dòng TUF nên quyết định giữ nguyên so với thế hệ trước mà không cần cải tiến quá nhiều. Nếu có sự thay đổi đáng chú ý nhất thì có lẽ là sự sắp xếp lại hệ thống hốc gió trên bộ khung để tối ưu được sức mạnh của hệ thống tản nhiệt. Bản TUF của năm 2020 đã để lại cho mình khá nhiều điều không hài lòng về hệ thống tản nhiệt, tuy nhiên với sự thay đổi của năm nay thì mình sẽ đặt nhiều kì vọng hơn và hiệu năng lẫn trải nghiệm khi tiếp xúc với sản phẩm trong thời gian dài.

Nếu như chúng ta dành khá nhiều lời khen dành cho phần thiết kế của Asus TUF F17 2021 thì phần nghe nhìn lại là một câu chuyện khác. Sở hữu màn hình 17.3 inch, một không gian đủ lớn để những trải nghiệm trở nên rõ ràng hơn so với những mẫu laptop có kích thước màn hình từ 15.6 inch trở xuống. Điểm cộng của tấm nền trên mẫu laptop này là tần số quét cao phù hợp với những nhu cầu trải nghiệm hình ảnh game và lướt web mượt mà. Tấm nền IPS cũng cung cấp khả năng hiển thị hình ảnh với góc nhìn lớn hơn cho người dùng có thể sử dụng máy tính môt cách thoải mái mà không cần phải cố gắng để tầm nhìn chính diện với màn hình. Tính đến thời điểm hiện tại thì độ phân giải FHD vẫn rất vừa miếng với cấu hình tầm trung được trang bị trên Asus TUF F17 2021. Với màn hình tần số quét cao thì trong quá trình sử dụng những hiện tượng xé hình là điều không tránh khỏi. Tuy vậy, giải pháp mà Asus đã sử dụng là trang bị thêm tính năng Adaptive Sync để hạn chế tối đa tình trạng này.

Mặc dù vậy, điểm hạn chế của màn hình Asus TUF F17 2021 là độ phủ màu chưa được cao với 62.5% sRGB. Đây là bảng màu chính được lựa chọn để sử dụng trong hầu hết các tựa game cũng như phim và ảnh. Đều đó đồng nghĩa với việc những trải nghiệm hình ảnh có phần không được trọn vẹn cho lắm. Đối với một game thủ thuần túy, điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nếu đứng trên phương diện của một người sáng tạo nội dung, bạn cũng có thể livestream, làm ảnh và chỉnh sửa video trên Asus TUF F17 2021. Tuy vậy, bạn cũng cần phải cân nhắc về chất lượng hình ảnh đầu ra một chút khi sử dụng màn hình của laptop. Nếu bạn thực sự nghiêm túc trong vấn đề hình ảnh mà vẫn rất yêu thích chiếc laptop này, bạn có thể lựa chọn giải pháp sử dụng một màn hình rời có khả năng hiển thị tốt hơn cho công việc.

Về phần âm thanh, hệ thống loa của Asus TUF F17 2021 cũng chỉ đáp ứng vừa đủ để nghe tiếng khi chơi game hay giải trí thông thường với những video youtube mà thôi, không có gì đáng kể. Âm thanh to, rõ ràng, không có hiện tượng bị rè khi ở mức âm lượng cao từ 70% trở lên. Nếu người dùng có nhu cầu cao hơn thì có thể trang bị thêm các hệ thống âm thanh rời như một dàn loa hoặc một chiếc headphone chất lượng. Asus TUF F17 2021 có trang bị một cổng âm thanh 3.5mm cho việc kết nối này, bên cạnh đó, bạn cũng có thể xem xét sử dụng những hệ thống âm thanh khác sử dụng kết nối USB, tuy nhiên, với lượng cổng cắm không quá dồi dào trên chiếc laptop gaming này thì mình vẫn khuyến cáo với các bạn sử dụng cổng âm thanh chuyên dụng để có được trải nghiệm thoải mái nhất.

Với những trải nghiệm tương tác với bàn phím và chuột thì hầu như không có gì thay đổi giữa phiên bản 2021 và 2020. Bố cục bàn phím thoáng và rộng rãi, hành trình phím hợp lý. Ngoài việc trở thành một mẫu bàn phím lý tưởng để chơi game thì việc bổ sung phím số cũng rất hợp lý với những tác vụ khác ngoài gaming như nhập dữ liệu, thao tác với các ứng dụng. Những điều không thể thiếu với những người làm sáng tạo nội dung khi cần nhập liệu và thao tác ở những nơi cần sự cơ động cao. Còn đối với việc chơi game hay những tác vụ cần hiệu suất thao tác cao thì các bạn nên sở hữu thêm những bộ bàn phím cơ và chuột rời.

Nói đi cũng phải nói lại, tất cả những gì chúng ta vừa trải nghiệm là bề nổi của một bộ máy. Nó rất quan trọng với trải nghiệm tổng thể nhưng suy cho cùng, gốc rễ của mọi chiếc máy tính vẫn là cấu hình bên trong, nơi sẽ đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của một người dùng. Với sự phát triển của hệ thống phần cứng năm 2021, mình sẽ đặt nhiều kì vọng vào một mẫu laptop Gaming tầm trung có hiệu năng thay đổi hơn.

TUF F17 sẽ có nhiều phiên bản với sức mạnh phần cứng được tinh chỉnh để phù hợp với nhu cầu và túi tiền của game thủ. Cấu hình mà mình đang sở hữu ở đây có thể coi là phiên bản thấp nhất của dòng máy này trong nay năm 2021:

CPU: Intel Core i7-11800H

RAM: DDR4 8GB bus 3200MHz

GPU: GeForce RTX 3050

SSD: 512GB NVMe

Mặc dù vậy, đây vẫn chưa phải là toàn bộ khả năng của chiếc laptop này. Bởi nó có thể nâng cấp để mở rộng RAM lên tối đa 32GB và hai khe SSD M.2 NVMe có thể bổ sung thay thế lên dung lượng lớn hơn. Điều này sẽ giúp cho những ai đang có ý định sở hữu máy nhưng với ngân sách tương đối chặt và có thể sẽ nâng cấp về sau khi nhu cầu tăng.

Mình có soi thử mẫu SSD được Asus trang bị sẵn cho TUF F17 thì thấy rằng, đây là một chiếc SSD đến từ thương hiệu Samsung, một trong những thương hiệu hàng đầu về SSD hiệu năng cao được game thủ tín nhiệm. Với tốc độ đo được thông qua Crystal Disk Mark, khả năng đọc ghi của mẫu SSD này là khá tốt với nhu cầu của game thủ và những người làm sáng tạo nội dung. Tốc độ đọc tuần tự là 2947MB/s, gần chạm mốc 3GB/s, trong khi tốc độ ghi tuần tự là 1084MB/s. Tốc độ này gần như việc bạn sở hữu môt chiếc SSD Samsung 980 vậy.

Sự thay đổi về hiệu năng của TUF F17 chủ yếu đến từ hai yếu tố chính là vi xử lý Intel Tiger Lake-H45 và card đồ họa RTX 3000 series. Hai nhân tố này cho phép chiếc laptop có thể thực hiện những tác vụ nặng một cách mượt mà hơn và tiết kiệm điện hơn ở những tác vụ phổ thông khi so sánh với những mẫu laptop sử dụng các vi xử lý thế hệ cũ.

Intel Tiger Lake H45 được sản xuất trên tiến trình 10nm nên về bản chất nó đã vượt trội hơn những thế hệ cũ về hiệu năng xử lý trên mỗi Watt điện. Đồng thời với kiến trúc mới được áp dụng trên toàn bộ dòng vi xử lý dành cho laptop cho phép IPC tăng lên một cách rõ rệt  và kéo theo đó chắc chắn là hiệu năng đơn nhân của Tiger Lake H45 vượt trội hơn nhiều so với những con chip hiệu năng cao của thế hệ thứ 10. Điều đó cũng có nghĩa là xung nhịp của của những vi xử lý thế hệ thứ 11 sẽ không cần thiết phải quá cao để bắt kịp thế hệ cũ và chỉ cần một cú hích nhẹ là nó có thể vượt trội hơn thế hệ cũ nhiều.

Việc đẩy xung nhịp của CPU lên cao là một yếu tố kéo năng lượng tiêu thụ của một vi xử lý lên nhiều lần. Đồng thời, đó cũng là tác nhân chính khéo nhiệt độ của CPU khi xử lý cao hơn. Với một chiếc máy tính để bàn, việc duy trì xung nhịp cao của một CPU đòi hỏi rất nhiều yếu tố như nguồn điện mạnh, bo mạch chủ tốt, tản nhiệt tốt và bản thân CPU cũng phải có chất lượng cao. Đối với một thiết bị tất cả trong một như laptop, điều đó sẽ khó khăn hơn nhiều và phải phụ thuộc nhiều hơn vào hiệu suất xử lý của CPU. Intel Tiger Lake nói chung và i7-11800H nói riêng trên TUF F17 đã giải quyết được sự cân bằng về hiệu năng và nhiệt độ của CPU trên một chiếc laptop rất tốt, một sự cái tiến có chiều sâu đáng khen ngợi của Intel.

Cụ thể hơn nữa, khi mình test khả năng render 3D trên TUF F17 với CPU i7-11800H với Cinebench R23 cho thấy điểm số đa nhân đạt được là 12196 điểm trong khi đó điểm số mà i7-10870H là một mẫu CPU cùng phân khúc của thế hệ trước lại chỉ đạt được 9981 điểm. Mặc dù i7-10870H khi nhìn vào chúng ta có thể thấy được rằng xung nhịp Turbo của nó có thể đạt lên đến 5.0GHz tuy nhiên điểm số đơn nhân trên Cinebench R23 của nó chỉ là 1198. Trong khi đó, với i7-11800H trên TUF F17, chúng ta có số điểm đơn nhân vượt trội hơn với 1482 điểm mặc dù xung nhịp lớn nhất của nó chỉ là 4.6GHz. Điều đó cho thấy được rằng giá trị xử lý của TUF F17 của năm 2021 có được là rất khả quan. Đối với game thủ, hiệu quả từ CPU có thể sẽ khó nhận ra hơn nhưng với những người làm nội dung thì CPU mạnh đồng nghĩa với việc họ có thể đưa ra những sản phẩm sáng tạo trong thời gian ngắn hơn, quá trình sản xuất cũng mượt mà và đỡ tốn được nhiều công sức chờ đợi.

Trong quá trình test ở chế độ Turbo trên Asus TUF F17 để đẩy sức mạnh của CPU lên cao nhất, mình cũng nhận thấy rằng CPU đã sử dụng lên đến 83W điện năng, nhiệt độ CPU có lúc lên tới 95 độ C, xung nhịp toàn nhân duy trì ở 3.7GHz. Đối với một chiếc laptop hiệu năng cao, việc đạt tới ngưỡng nhiệt độ này là bình thường nếu trong tình huống ép CPU phải hoạt động hết khả năng của mình.

Sự bổ sung của tập lệnh AVX-512 cho thấy Intel đã rất nghiêm túc trong những công việc xử lý những tác vụ liên quan đến AI, dựng hình 3D, xử lý và mã hóa dữ liệu hình ảnh và âm thanh. Đây là thuật toán gần gũi với người dùng là game thủ và cả những người làm sáng tạo nội dung và tối ưu trực tiếp đến hiệu năng dựng hình trong game, render video, chỉnh sửa hình ảnh và ngay cả những tác vụ thông thường như nén và giải nén file.

Cũng nhờ sử dụng Intel Tiger Lake mà Asus TUF F17 năm nay có thêm một số cổng kết nối được ăn theo sự nâng cấp này, đó là việc được trang bị thêm cổng Thunderbolt 4 thay vì USB Type-C 3.2 gen2 thông thường. Với các công nghệ như Displayport, Power Delivery v.v… Nó cho phép mẫu laptop này có thêm một lựa chọn xuất hình, một cổng sạc pin đề phòng trường hợp bạn có lỡ bỏ quên sạc ở nhà hoặc muốn lựa chọn một cách gọn gàng hơn để duy trì năng lượng cho máy khi bạn đi ra ngoài với một chiếc laptop 17.3 inch đã tương đối lớn trong balo hay cặp sách. Ngoài ra, nhờ có băng thông 40Gbps trên Thunderbolt, người dùng có thể tự tin trong việc mở rộng các cổng kết nối với các hub đa phương tiện. Với các game thủ, các bạn có thể kết nối được với nhiều thiết bị sử dụng USB hơn như chuột, bàn phím, tai nghe gaming. Còn đối với những người làm nội dung sáng tạo và livestream thì điều này cũng có ý nghĩa hơn khi các bạn không phải loay hoay lựa chọn những thiết bị chuyên dụng như capture card hay soundcard hay các thiết bị khác trên chiếc laptop vốn bị giới hạn khá nhiều về số lượng cổng kết nối nữa.

Mặc dù CPU Intel năm nay đã có nhiều khởi sắc nhưng không phải vì vậy mà Asus không cố gắng để những trải nghiệm hiệu năng bị dậm chân tại chỗ. Như bạn đã thấy, mặc dù Intel Tiger Lake là một CPU có hiệu năng rất tốt so với thế hệ cũ tuy nhiên để có thể “bung lụa” được sức mạnh của nó thì vẫn cần đến nguồn năng lượng lớn tương đương với những mẫu CPU hiệu năng cao khác trên một chiếc laptop. Đó là lý do mà Asus đã phải trang bị thêm cho TUF F17 một giải pháp tản nhiệt hiệu quả hơn với nhiều ống đồng hơn và hệ thống thông gió với những cánh quạt được nâng cấp để giảm chiều dày và tăng số lượng cánh để luồng gió được tối ưu hơn. Điều này có thể không làm cho nhiệt độ của máy mát hơn, nhưng sẽ duy trì được nhiệt độ phù hợp để hiệu năng ổn định cũng như tiếng ồn của máy khi hoạt động sẽ giảm đi đôi chút.

Cùng với Intel Tiger Lake, việc được trang bị RTX 3050 đã giúp những mẫu laptop Gaming ở phân khúc thấp không còn mắc kẹt với những mẫu card đồ họa thuộc dòng GTX. Măc dù về mặt hiệu năng thuần thì RTX 3050 cũng không quá vượt trội hẳn so với những chiếc card cùng phân khúc của thế hệ cũ.  Nhưng nhờ có những công nghệ của RTX mà những chiếc laptop gaming có mức giá dễ tiếp cận như TUF F17 có khả năng chơi game mượt mà hơn hẳn với DLSS và có khả năng chạm tới những thang trải nghiệm đồ họa cao hơn với Ray Tracing. Với những đặc điểm này chúng ta có thể thấy rằng, khả năng của RTX 3050 có thể trải nghiệm mượt mà được game hầu hết ở mức setting đồ họa ở medium và một số ít có thể nâng lên high. Để khẳng định kết luận này thì mình đã test game với một số tựa game phổ biến trên cộng đồng và thu được kết quả như sau.

Đối với một tựa game eSports như CS:Go, RTX 3050 giúp cho TUF F17 tận dụng rất tốt màn hình 144Hz với số khung hình trong game đều trên 100fps ở mức setting đồ họa cao nhất. Trong suốt một trận đấu 20 phút FPS luôn trong khoảng từ 101 – 170. Như vậy là đã ổn với nhu cầu của một tựa game eSports có tiết tấu nhanh. Tương tự với Apex Legend, một tựa game bắn súng khác có  nền đồ họa nặng hơn nhiều thì ở setting high, TUF 17 vẫn có thể cân một cách mượt mà với số lượng khung hình trong khoảng 50 đến 70fps. Một tựa game thế giới mở khá xịn xò là Horizon Zero Dawn cũng đang chiếm được nhiều sự quan tâm của công đồng game thủ. Với TUF F17, bạn có thể chơi tương đối mượt mà tựa game này khi ở setting đồ họa medium, bạn có thể đạt được mức FPS là 41 cho đến trên 50. Nếu cần sự mượt mà cao hơn thì bạn có thể hạ một số thuộc tính đồ họa xuống low. Cuối cùng, một tựa game battle royale đang hot gần đây là Naraka Bladepoint đang tạo nên một cơn sốt mới cho cộng đồng game thủ. Khi chơi Naraka trên TUF F17, game thủ sẽ tận dụng được khá nhiều tính năng quan trọng như DLSS, Nvidia Reflex để tăng độ mượt mà và giảm input lag để tranh giành cơ hội thắng trận trên từng tích tắc với đối thủ.

Bên cạnh game thì ứng dụng dành cho người sáng tạo nội dung mà đại diện là Adobe Premiere chắc chắn sẽ được quan tâm. Bởi như mình đã nói ở trên, những đối tượng mà chiếc laptop này hướng đến đã không chỉ là game thủ mà còn là những người cần một hệ thống có hiệu năng cao để edit video, chỉnh sửa hình ảnh và nhiều hơn thế nữa. Bản thân mình cũng sử dụng chiếc laptop này để edit chính những nội dung trên kênh The Pixel. Với một video 4K có độ dài 5p35s thì tổng thời gian để render ra thành phẩm sau khi đã thực hiện cắt ghép, chèn hiệu ứng thì mất chưa tới 8 phút, cụ thể là 7 phút 48 giây. Như vậy là đã quá đủ cho những người làm việc từ nghiệp dư cho đến bán chuyên, những nhà sáng tạo sử dụng nội dung của mình để kiếm tiền.

Tổng kết lại, chúng ta có thể thấy rằng, Asus TUF F17 sau một năm đã có được nhiều sự thay đổi sâu sắc. Asus đã hướng sự chú ý của mình về phía cộng đồng những người sử dụng máy tình mà không phải game thủ nhiều hơn. Cho thấy được quan điểm của những nhà sản xuất laptop đã dần thay đổi để rồi khi nhắc tới laptop Gaming ở thời điểm này và có thể của cả những thế hệ sau này nữa, chúng đã có những sự thay đổi để trở nên thân thiện hơn với nhiều đối tượng người dùng hơn chứ không chỉ là những chiếc máy tính theo đuổi hiệu năng tột đỉnh như thời gian trước đây. Để rồi sau này, khi nhắc đến laptop gaming, chúng ta không còn phải hình dung đến nhưng từ ngữ kiểu “cục gạch”, “pháo đài”, “chỉ dành cho game thủ” hay những thứ đại loại như vậy nữa. Laptop Gaming là những mẫu laptop có phong cách riêng, lối đi riêng để phục vụ những con người có cá tính, có màu sắc riêng. Có lẽ chỉ cần như vậy thôi là nó đã đủ để chinh phục được rất nhiều người dùng công nghệ trên thế giới rồi. Và tất nhiên TUF F17 vẫn là một mẫu laptop lớn đáng mua trong thời điểm này. Dù các bạn có là người chơi game hay những người cần máy tính hiệu năng cao cho các công việc khác.

0 ( 0 bình chọn )

Bài viết liên quan

About Nguyễn Thành Đạt

View all posts by Nguyễn Thành Đạt

Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới

Xem thêm